Galaxy A8+ 2018 là chiếc máy chủ lực của Samsung ở phân khúc cận cao cấp trong đầu năm 2018. Nó có camera sau 16MP khẩu độ F1.7, nó có camera kép phía trước hỗ trợ Selfie góc rộng hoặc góc hẹp. So với chiếc A7 (2017) hay A8 (2016), A8 phiên bản 2018 có một số cải thiện về màu sắc khi chụp ban ngày, độ nét và sự chi tiết chưa có nhiều thay đổi ấn tượng. Về đêm chiếc máy ảnh này dễ dùng hơn, cho ảnh ít rung nhoè hơn.
Rõ ràng nó không dành cho những tay yêu cầu chất lượng ảnh đỉnh cao, nhưng bù lại nó phục vụ cho một nhóm người lớn hơn, những người không có kinh nghiệm nhiều nhưng vẫn có thể chụp được những bức ảnh tốt.
Các tiêu chí mà mình đánh giá trong bài viết này:
- Khả năng ghi nhận màu sắc và cân bằng trắng trong trường hợp các vùng màu phức tạp.
- Khả năng chụp ngược sáng, dynamic range
- Xử lý hài hoà ánh sáng trong bối cảnh ánh sáng phức tạp, loang lỗ
- Độ nét của ảnh ở các bối cảnh rộng, trung cảnh và cận cảnh
- Chế độ HDR
- Khả năng chụp thiếu sáng
- Camera selfie kép
Khả năng ghi nhận màu sắc của A8+ nói riêng và Samsung nói chung đạt mức tốt nhờ xử lý phần mềm. Tự thân cảm biến ảnh của A8+ nhỏ và không có nhiều công nghệ phụ trợ như các dòng máy flagship như Note8 hay S8 nên việc trang bị phần mềm đủ tốt giúp bù lại khuyết điểm này.
Khi ghi nhận ánh sáng, máy ảnh có cơ chế cân bằng màu dựa trên màu trắng để đưa tổng thể màu sắc về với màu thực. Nhưng thực chất màu trắng trong tự nhiên bị pha lẫn nhiều màu khác, vì thế camera di động thuường điều chỉnh dựa trên tương quan các màu Vàng, Lục, Lam, Đỏ để tổng hợp thành màu sắc chính xác nhất. Phần mềm càng cao cấp thì màu sắc càng chính xác.
Đầu tiên hãy nhìn các bối cảnh rộng có đủ lục lam vàng:
Tuy nhiên khi gặp các mảng màu đơn sắc hoặc cùng nhiệt độ màu thì A8+ bắt đầu xuất hiện các nhược điểm đặc trưng của camera di động như sai màu, lạc màu, cân bằng trắng sai. Vì thế chúng ta nên tránh việc chụp các mảng màu lớn và cùng nhiệt độ màu.
Dynamic Range là thế mạnh của Samsung, không phải vì cảm biến mạnh mà là vì Samsung tối ưu về phần mềm rất tốt. Đối với iPhone thì chụp ngược sáng chỉ đạt mức tốt trong vài năm trở lại đây, trong khi đó từ những dòng S4 S5, mình đã nhìn thấy khả năng chụp ngược sáng ấn tượng của Samsung.
A8+ cũng không ngoại lệ. Mình thử với các tình huống chênh sáng mạnh để xem Samsung có thể giữ được bao nhiêu dữ liệu khi chênh sáng:
Chế độ HDR
Chế độ HDR của Samsung Galaxy A8+ nằm sâu trong Menu chứ không còn ở ngoài nữa. Điều này cho thấy Samsung không muốn người dùng bận tâm về chế độ này. Bạn có 3 tuỳ chọn: Bật/ Tắt/ Tự động.
Nếu như dynamic Range là một điểm + trên A8+ thì HDR là một điểm trừ. Mình thử bật tắt HDR thủ công thì thấy mức độ hiệu quả của chế độ này không cao lắm và tất cả luôn được tối ưu gần giống HDR tự động. Có vẻ như HDR tự động của A8+ không có khả năng điều chỉnh mức độ hiệu quả như các máy Flagship, chỉ có thể tự quyết định bật hay tắt.
Độ nét
Ảnh chụp từ A8+ có độ nét tốt. Với độ phân giải 16MP, khẩu độ F1.7, độ sâu trường ảnh rất mỏng khi chụp cẩn cảnh, tách bạch nhiều chi tiết của chủ thể. Nếu so với các thiết bị có cùng độ phân giải 16MP thì độ chi tiết của A8+ lại không cao lắm.
Nhưng đó là cái nhìn của một người khắc khe, đối với người dùng phổ thông thì mức chi tiết này, theo mình là chấp nhận được. Chả ai lại cứ đi zoom sát vào ảnh mãi.
Đầu tiên hãy xem độ nét khi chụp cận cảnh:
Chụp thiếu sáng:
Khẩu độ F1.7 là mức khẩu độ rất lớn trong thế giới Android. Về lý thuyết, khẩu độ càng lớn thì càng thu nhận được nhiều ánh sáng, trong điều kiện thiếu sáng sẽ cho ảnh sáng hơn, ít nhiễu hạt hơn,… Thực tế thì sao?
A8+ cho ảnh có độ sáng tốt, nhưng độ nét và chi tiết không cao. Mình nghĩ đây là vấn đề về phần mềm khi ảnh bị đẩy ISO lên cao. Về việc này, cá nhân mình tiếp xúc với nhiều điện thoại samsung từ phổ thông đến cao cấp nhưng vấn đề ISO luôn làm mình thắc mắc. Đôi khi ISO200 cho ảnh rất tốt, đôi khi quá tệ. Và cách quyết định nâng ISO của Samsung cũng kỳ lạ chứ không rõ ràng như iPhone.
Một điểm cộng là nhờ đẩy ISO cao nên phần lớn ảnh chụp thiếu sáng của A8+ ít bị rung. Đối với người dùng phổ thông thì đây là điểm bắt buộc vì không có nhiều người có thể giữ máy chắc chắn.
Camera Selfie
A8+ là chiếc điện thoại đầu tiên của Samsung có 2 camera trước. Một camera góc rộng để chụp nhóm và 1 camera góc hẹp để chụp chân dung đơn. Chất lượng của 2 camera này khá tương đồng, thử nghiệm trong điều kiện đủ sáng thì chất lượng camera khá ổn với độ nét tốt, chi tiết nhiều.
Một đặc điểm quan trọng của việc chụp selfie là phải “sáng mặt ăn tiền”. Trong các tình huống ngược sáng, máy chủ động nâng sáng để làm sáng mặt, nhưng lúc đó chất lượng ảnh suy giảm nhiều.
Lưu ý:
- Khi chụp camera góc rộng, máy chỉ cho bạn chọn màu da và độ mịn da
- Khi chụp camera góc hẹp, bạn có thể chọn thêm “xoá phông”